1. Xét nghiệm tổng phân tich nước tiểu là gì?
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm sàng lọc thường quy, được sử dụng rất phổ biến trong lâm sàng. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin để bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu phân tích các thành phần sinh hóa có trong nước tiểu. Xét nghiệm này có thể được thực hiện bằng phương pháp sử dụng que nhúng nước tiểu hoặc phân tích bằng máy đếm tự động.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bao gồm các thông số:
- Tỷ trọng nước tiểu
- pH nước tiểu
- Bạch cầu
- Nitrit
- Protein
- Glucose
- Thể ceton
- Bilirubin
- Urobilinogen
- Hồng cầu
2. Mục đích của xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm thường quy không thể thiếu trong bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ.
Bên cạnh đó, khi bác sĩ nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng thận và đường tiết niệu, hoặc các bệnh lý khác gây thay đổi thành phần trong nước tiểu, cũng sẽ chỉ định xét nghiệm này.
Ngoài ra, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu được chỉ định như một phần của quy trình khám lâm sàng cho bệnh nhân trước khi mổ và cho bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.
3. Cách thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tiến hành trên mẫu nước tiểu do bệnh nhân tự thu thập. Cách thực hiện xét nghiệm này như sau:
a. Đối với nam giới:
- Nhận bình chứa nước tiểu vô trùng từ nhân viên y tế.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Lau quy đầu bằng nước sạch.
- Lấy nước tiểu giữa dòng, sau khi bắt đầu tiểu một vài giây vào bình chứa.
- Đóng kín bình chứa.
b. Đối với nữ giới:
- Nhận bình chứa nước tiểu vô trùng từ nhân viên y tế.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Vạch môi lớn, môi bé và lau qua lổ tiểu bằng một động tác lau duy nhất từ trước ra sau, sau đó rửa bằng nước sạch.
- Lấy nước tiểu giữa dòng, sau khi bắt đầu tiểu một vài giây vào bình chứa.
- Đóng kín bình chứa.
Đối với xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, mẫu nước tiểu nên được đưa ngay tới phòng xét nghiệm để phân tích trong vòng 2 giờ. Bởi vì khi để quá lâu, vi khuẩn trong nước tiểu sẽ phân hủy ure thành amoniac khiến nước tiểu trở nên kiềm, có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của các thành phần protein, glucose, ceton, bilirubin và urobilinogen niệu.
4. Ý nghĩa của xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Quan sát độ trong của nước tiểu có thể gợi ý có hay không tình trạng nhiễm trùng hay đái máu. Bình thường, nước tiểu sẽ trong vắt tới hơi đục. Nước tiểu vẩn đục có thể do có mặt của vi khuẩn, mỡ, các tế bào hồng cầu, bạch cầu hay do thay đổi pH niệu. Nước tiểu vẩn khói có thể do có máu trong nước tiểu.
Quan sát màu sắc của nước tiểu có thể gợi ý một số thông tin. Màu sắc nước tiểu của một người bình thường sẽ gần như không có màu, màu vàng nhạt tới vàng sẫm. Một số thay đổi về màu sắc nước tiểu là:
- Màu xanh lơ/xanh sẫm: Có thể do nhiễm trùng vi khuẩn, nhiễm trùng đường niệu trên do pseudomonas; hoặc do sử dụng một số loại thuốc.
- Màu nâu/đen: Có thể do hội chứng alkapton niệu, khối u hắc tố, sắc tố mật, methemoglobin; hoặc do sử dụng một số loại thuốc.
- Màu vàng sẫm đến màu hổ phách: Nước tiểu bị cô đặc, có bilirubin trong nước tiểu, do thức ăn (như ăn nhiều carrot), hoặc sử dụng một số loại thuốc.
- Màu cam: Có thể là do có muối mật trong nước tiểu, sốt hoặc sử dụng một số loại thuốc.
- Màu đỏ: Có thể do gắng sức quá mức, porphyria niệu, do thức ăn hoặc một số loại thuốc.
- Màu vàng cam, hồng, đỏ tía, đỏ nâu, đỏ cam, rỉ sắt, vàng: Có thể do một số loại thuốc.
Dưới đây là ý nghĩa của các thông số trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu:
a. Tỷ trọng nước tiểu (SG)
Tỷ trọng là nồng độ nước tiểu so với nồng độ của nước, giúp đánh giá nước tiểu loãng hay cô đặc. Nước tiểu có tỷ trọng càng cao thì càng cô đặc.
Giá trị SG bình thường là 1.005 – 1.030. Người lớn tuổi sẽ có tỷ trọng thấp hơn do thận giảm chức năng.
Tỷ trọng nước tiểu tăng có thể do các nguyên nhân thường gặp sau:
- Uống ít nước.
- Mất nước (tiêu chảy cấp, sốt, nôn nhiều).
- Viêm cầu thận cấp.
- Suy tim ứ huyết.
- Đái tháo đường.
- Mất quá nhiều dịch.
- Tăng tiết hormoon chống bài niệu ADH (do chấn thương, stress, thuốc).
- Suy gan.
- Nhiễm độc thai nghén.
Tỷ trọng nước tiểu giảm có thể do các nguyên nhân thường gặp sau:
- Uống nhiều nước.
- Giảm tiết ADH.
- Viêm thận bể thận mạn tính.
- Xơ hóa thành nang.
- Dùng thuốc lợi tiểu.
b. Độ pH nước tiểu
Độ pH cung cấp thông tin về tình trạng toan – kiềm (acid – bazơ)của nước tiểu. Giá trị pH bình thường là 4,8 – 9. pH>7 được xem là nước tiểu có tính bazơ, pH<7 được xem là nước tiểu có tính acid.
Tình trạng tăng pH niệu thường gặp trong một số nguyên nhân là:
- Có vi khuẩn trong nước tiểu.
- Suy thận mạn.
- Hội chứng Fanconi.
- Tình trạng kiềm chuyển hóa.
- Hẹp môn vị.
- Tình trạng kiềm hô hấp.
- Nhiễm toan hóa do ống thận.
- Nhiễm toan hô hấp.
- Nhiễm trùng tiết niệu.
Tình trạng giảm pH niệu thường gặp trong một số nguyên nhân là:
- Alkapton niệu.
- Mất nước.
- Tiêu chảy.
- Sốt.
- Đái tháo đường.
- Toan chuyển hóa.
- Pheynylceton niệu.
- Lao thận.
- Nhiễm trùng tiết niệu.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu khi có triệu chứng bệnh thận
c. Bạch cầu (Leukocyte – LEU)
Khi có tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, bạch cầu sẽ giải phóng một enzym gọi là esterase bạch cầu. Xét nghiệm tìm esterase bạch cầu sẽ giúp tìm kiếm sự tồn tại của bạch cầu trong nước tiểu.
Xét nghiệm bạch cầu trả về kết quả âm tính (< 10U/L) hoặc dương tính. Kết quả dương tính cho thấy cần thăm dò thêm để xác định thực sự có vi khuẩn trong nước tiểu hay không.
d. Nitrit (NIT)
Bình thường trong nước tiểu sẽ không có nitrit, trả về kết quả âm tính. Xét nghiệm nitrit chỉ dương tính khi trong nước tiểu có vi khuẩn làm chuyển đổi nitrat thành nitrit. Vì vậy, xét nghiệm này thường kết hợp cùng xét nghiệm bạch cầu để kiểm tra nhiễm khuẩn tiết niệu.
Nhưng khác với xét nghiệm esterase bạch cầu rất hiếm xảy ra âm tính giả nhờ độ nhạy cao, xét nghiệm nitrit có thể cho kết quả âm tính giả. Vì vậy chỉ riêng nitrit âm tính không đủ để loại trừ tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu.
e. Protein (PRO)
Protein niệu là xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Bởi khi chức năng lọc của thận bình thường sẽ không có protein trong nước tiểu, trả về kết quả âm tính (< 0.1G/L).
Protein niệu dương tính trong một số nguyên nhân thường gặp là:
- Đái tháo đường.
- Stress.
- Gắng sức.
- Viêm tiểu cầu thận.
- Tăng huyết áp ác tính
- Đa u tủy xương.
- Protein niệu tư thế đứng.
- Tiền sản giật.
- Viêm thận bể thận.
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
f. Glucose (GLU)
Bình thường glucose được lọc và tái hấp thu tại thận, do đó trong nước tiểu sẽ không có glucose. Glucose xuất hiện trong nước tiểu cho thấy nồng độ glucose máu cao vượt ngưỡng thận, ống thận không có khả năng tái hấp thu toàn bộ gulcose. Thường gặp do các nguyên nhân:
- Bệnh to đầu chi.
- Hội chứng Cushing.
- Đái tháo đường.
- Đái tháo đường thai kỳ.
- Hội chứng Fanconi.
- Mất dung nạp với galactos.
- Nhiễm trùng.
- Đa u tủy xương.
- U tủy thượng thận.
- Rối loạn chức năng ống thận gần.
- Đang mang thai.
- Stress.
g. Thể Ceton (KET)
Ở bệnh nhân bị đái tháo đường chưa được kiểm soát, tình trạng thiếu insulin khiến tế bào không sử dụng được năng lượng từ glucose, do đó phải sử dụng năng lượng từ axit béo. Trong quá trình chuyển hóa axit béo sẽ tạo ra 3 loại ceton được bài xuất vào nước tiểu. Xét nghiệm ceton trong nước tiểu giúp chẩn đoán bệnh đái tháo đường và các nguyên nhân gây ra nhiễm toan ceton.
Giá trị xét nghiệm bình thường là âm tính (<0.5 mmol/L).
Kết quả ceton niệu dương tính thường do một số nguyên nhân là:
- Nghiện rượu.
- Chán ăn tâm thần.
- Nhịn đói.
- Đái tháo đường.
- Tiêu chảy.
- Sốt.
- Chế độ ăn giàu protein.
- Cường giáp.
- Có thai.
- Sau gây mê (postanesthesi).
h. Bilirubin (BIL)
Bilirubin là một thành phần của mật, được hình thành trong gan, lách và tủy xương; được xem là kết quả của quá trình thoái giáng hemoglobin. Bình thường, phần lớn biliburin được bài tiết qua đường tiêu hóa, một phần rất nhỏ chuyển đổi thành urobilinogen bài tiết qua thận. Do đó, giá trị bilirubin bình thường trong nước tiểu là âm tính (< 3.4 mol/L).
Biliburin có mặt trong nước tiểu gợi ý bệnh gan (như xơ gan, viêm gan) hay tắc nghẽn đường mật.
i. Urobilinogen (URO)
Urobilinogen được chuyển đổi từ biliburin bởi các vi khuẩn đường ruột, phần lớn bài tiết qua phân. Phần còn lại được gan tái xử lý đưa đến mật, một lượng rất nhỏ sẽ bài tiết qua nước tiểu. Do đó, urobilinogen trong nước tiểu có thể phản ánh được chức năng gan.
Giá trị urobilinogen bình thường là <17 mmol/L.
Urobilinogen niệu tăng thường gặp do các nguyên nhân:
- Viêm gan cấp.
- Xơ gan.
- Viêm mật quản.
- Thiếu máu tan máu.
- Có các vùng tụ máu lớn.
- Nhiễm trùng nặng.
Urobilinogen niệu giảm thường gặp do các nguyên nhân:
- Tắc mật.
- Bệnh lý viêm.
- Suy thận.
- Tiêu chảy nặng.
j. Hồng cầu (BLOOD)
Kết quả hồng cầu bình thường là âm tính (<5Ery/UL). Khi có hồng cầu niệu gợi ý tình trạng đái máu vi thể, cần thăm khám chuyên khoa tiết niệu. Ở nữ xét nghiệm trong thời gian hành kinh có thể dẫn đến hồng cầu niệu.