• (+84) 909 858 115
  •   50-52 Trần Bạch Đằng, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM

Ý NGHĨA CỦA XÉT NGHIỆM ALBUMIN


1. Albumin máu là gì?

Albumin là một trong những thành phần protein quan trọng nhất của huyết thanh, chiếm tới 58 – 74% hàm lượng protein toàn phần. 40% Albumin nằm ở huyết tương và 60% nằm ở dịch ngoại bào. Albumin máu có nhiều chức năng quan trọng như:

- Duy trì áp lực thẩm thấu keo trong máu, giữ cho nước không rò rỉ ra ngoài mạch máu;

- Cung cấp acid amin cho quá trình tổng hợp protein ở ngoại vi;

- Đảm nhiệm vai trò liên kết, vận chuyển một số chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể như acid béo, bilirubin, hormone steroid và các hoạt chất khác,... đi khắp cơ thể.

Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể sản xuất Albumin (mỗi ngày gan tạo ra khoảng 10,5g Albumin). Cũng vì vậy, chỉ số Albumin thể hiện rõ tình trạng chức năng của gan. Albumin giảm khi gan bị suy yếu ở người mắc bệnh thận, sốc, suy dinh dưỡng, viêm nhiễm,... Albumin máu cao khi cơ thể mất nước. Tuy nhiên, vì thời gian phân hủy của Albumin là từ 12 - 18 ngày, nên trong giai đoạn đầu gan bị tổn thương, có thể Albumin trong máu chưa giảm nhiều.

2. Xét nghiệm định lượng Albumin là gì?

Xét nghiệm protein Albumin là xét nghiệm nồng độ Albumin trong máu, dùng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý khác nhau hoặc để theo dõi tình trạng sức khỏe, tiến triển bệnh lý của từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm Albumin trong máu cũng giúp bác sĩ tiếp tục theo dõi, chỉ định các phương pháp xét nghiệm và kê các đơn thuốc phù hợp để điều trị bệnh hiệu quả hơn.

3. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm định lượng Albumin trong máu?

- Bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm Albumin cùng một số xét nghiệm khác khi một người có các dấu hiệu của rối loạn chức năng gan như mệt mỏi, sụt cân nhiều và nhanh, vàng da hoặc các triệu chứng của hội chứng thận hư như sưng phù quanh mắt, bụng và mắt cá chân;

- Bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm Albumin máu và Prealbumin khi muốn giám sát, kiểm tra tình trạng dinh dưỡng của một bệnh nhân. Nồng độ Albumin không thay đổi nhanh như Prealbumin nhưng nó có thể giảm, phản ánh tình trạng thiếu hụt Protein và suy dinh dưỡng;

- Xét nghiệm nồng độ Albumin huyết tương nhằm đánh giá chức năng gan, thận của bệnh nhân.

4. Yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ Albumin trong máu

- Buộc garo lâu có thể tăng chỉ số Albumin khi xét nghiệm;

- Lấy mẫu máu ở gần vị trí đang truyền dịch có thể dẫn tới mức độ Albumin thấp hơn thực tế;

- Khi có thai, nồng độ Albumin máu trong máu giảm đi, nồng độ Globulin tăng lên;

- Sử dụng thuốc làm tăng nồng độ Albumin: Steroid đồng hóa, thuốc kháng viêm chứa steroids, dextran, androgen, thuốc bổ sung hormone tăng trưởng, insulin, progesterone và phenazopyridine,...

- Sử dụng thuốc làm giảm nồng độ Albumin: estrogen, thuốc bổ sung ion amoni, thuốc gây độc cho gan và thuốc uống tránh thai;

- Bệnh nhân bị mất nước thường bị tăng nồng độ Albumin.

5. Thực hiện xét nghiệm định lượng Albumin huyết thanh

* Trước khi xét nghiệm

- Bệnh nhân báo với bác sĩ về những loại thuốc mình đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc, ngưng sử dụng thuốc trước khi lấy máu làm xét nghiệm;

- Khi làm xét nghiệm, bệnh nhân nên mặc áo ngắn tay để điều dưỡng dễ dàng lấy máu từ cánh tay.

* Quy trình thực hiện xét nghiệm

- Với xét nghiệm máu: Chuyên viên xét nghiệm sẽ quấn một dải băng quanh tay bệnh nhân để ngưng máu lưu thông, sát trùng chỗ tiêm bằng cồn, tiêm kim vào tĩnh mạch, có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết, gắn một ống vào để máu chảy ra và tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu. Cuối cùng, nhân viên y tế thoa bông gòn lên chỗ vừa tiêm và dán băng cá nhân lên. Lưu ý: bệnh nhân lấy máu vào buổi sáng, lúc đói.

- Với xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân được hướng dẫn thu thập nước tiểu trong vòng 24 giờ, tránh để nước tiểu bị nhiễm trùng bởi phân, không cho lẫn giấy vệ sinh vào trong mẫu và giữ các mẫu nước tiểu vào tủ lạnh trong vòng 24 giờ, thu thập nước tiểu lần cuối càng gần lúc sắp hết 24 giờ càng tốt. Sau đó, bệnh nhân chuyển mẫu nước tiểu tới nơi thực hiện xét nghiệm định lượng Albumin.

6. Cách đọc kết quả xét nghiệm định lượng Albumin

* Giá trị bình thường

- Trẻ 0 – 4 tháng tuổi: nồng độ Albumin là 2,0 - 4,5 g/dL;

- Trẻ 4 – 16 tháng tuổi: nồng độ Albumin là 3,2 - 5,2 g/dL;

- Người lớn trên 16 tuổi: nồng độ Albumin là 3,5 - 4,8 g/dL hay (35 - 48 g/L).

* Giá trị bất thường

- Định lượng Albumin giảm: Do bệnh ở gan (nghiện rượu, viêm gan, xơ gan), đái tháo đường, bệnh thận, sốc, suy dinh dưỡng, viêm, đặc biệt là sau phẫu thuật. Các tình trạng sức khỏe như bị bỏng, bệnh về đường ruột gây mất protein, bệnh đường tiết niệu, ung thư hạch bạch huyết Hodgkin, nhược giáp, suy tim, đa u tủy xương, bệnh rối loạn tự miễn như lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp,... cũng có thể làm giảm nồng độ Albumin trong máu, kể cả khi bệnh nhân ăn uống đầy đủ chất đạm;

- Định lượng Albumin cao: Do mất nước, viêm tụy cấp, có thai, chế độ dinh dưỡng giàu đạm, buộc garo lâu hoặc có hiến máu, xét nghiệm máu thời gian gần đây.

- Định lượng Albumin huyết thanh là chỉ số quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý của từng bệnh nhân. Vì vậy, trong trường hợp có những triệu chứng về gan, thận hoặc tổn thương các cơ quan này, bệnh nhân nên đến các trung tâm y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm định lượng Albumin. Mục đích của xét nghiệm chỉ số Albumin nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.

Messenger - TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM
Zalo Hotline 1 Zalo Hotline 2