• (+84) 909 858 115
  •   50-52 Trần Bạch Đằng, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM

Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM TSH


1. TSH là gì?

TSH là một glyco-protein có trọng lượng phân tử 28.000 dalton. Người ta thường gọi TSH với cái tên “hormone kích thích tuyến giáp” và TSH được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên trước dưới sự kiểm soát của hormone TRH vùng dưới đồi.

Trong trường hợp cơ thể bị stress, tâm thần vùng dưới đồi bị kích thích giải phóng hormone hướng tuyến giáp (TRH) hoặc nồng độ hormone bên trong dòng tuần hoàn giảm xuống. Hệ quả của cả hai trường hợp trên là TRH kích thích thùy trước tuyến yên để sản xuất ra TSH, chính là các hormone kích thích tuyến giáp. Tiếp đến TSH sẽ kích thích giải phóng T3 (Triodothyroxine) và T4 (Thyroxine). Đây là mối liên hệ đặc biệt để giúp ta biết được tình trạng của tuyến giáp có bình thường hay không.

2. Xét nghiệm TSH là gì?

Như đã trình bày ở trên TSH là hormone kích thích tuyến giáp, do vậy xét nghiệm này có mục đích kiểm tra xem tuyến giáp hoạt động có bình thường hay không. Đồng thời chẩn đoán một số bệnh liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hay cường giáp. Ngoài ra Xét nghiệm TSH còn xác định được nguồn gốc và nguyên nhân gây nên rối loạn chức năng tuyến giáp, từ đó có biện pháp ngăn chặn và điều trị kịp thời.

Kết quả xét nghiệm được sử dụng để theo dõi quá trình điều trị các bệnh lý về tuyến giáp, dự đoán về khả năng tái phát của bệnh sau quá trình điều trị. Trong bệnh lý bướu giáp nhiễm độc (Basedow), chỉ số TSH thấp trong 1 thời gian dài cho thấy thuốc không đáp ứng được bệnh và khả năng tái phát là rất cao.

3. Quá trình xét nghiệm TSH

Bệnh nhân sẽ được cán bộ y tế lấy máu tĩnh mạch để xét nghiệm. Trước khi thực hiện xét nghiệm bạn vẫn nên sinh hoạt bình thường, không nhất thiết phải nhịn ăn như một số xét nghiệm khác.

Tuy nhiên, bạn cần trình bày các loại thuốc mà mình đang sử dụng để kiểm tra xem chúng có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm hay không. Ví dụ như lithium, biotin, amiodaron, các chế phẩm chứa iod,... đây là các loại thuốc nên ngưng sử dụng trước khi thực hiện xét nghiệm này.

Trong quá trình điều trị suy giáp hoặc cường giáp bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức TSH của bạn để đảm bảo cơ thể đáp ứng với thuốc. Tần suất kiểm tra trong 6 tháng đầu là 1 tháng/1 lần, ở những tháng về sau thì 3 tháng/1 lần.

4. Ý nghĩa của chỉ số TSH

Sau khi thực hiện xét nghiệm thì có thể tham khảo một số ngưỡng giá trị của TSH như sau:

* TSH ở mức bình thường

Giá trị của TSH bình thường trong khoảng từ 0.27 - 4.2 uU/mL.

* Nồng độ hormone kích thích tuyến giáp tăng lên

Khi nồng độ TSH tăng lên tức là bạn đang bị suy giáp, một số điều cần lưu ý như sau:

- Suy giáp có nguồn gốc tại tuyến giáp, ta thực hiện thêm cả 2 xét nghiệm T3 và T4 để phân loại rõ tình trạng bệnh:

• T3, T4 thấp hơn mức bình thường: suy giáp rõ rệt.

• T3, T4 bình thường: suy giáp dưới lâm sàng.

- TSH còn tăng do sử dụng một số loại thuốc gây nên biến chứng suy giáp như PTU (thuốc kháng giáp), lithium, amiodaron.

- Trong cơ thể có kháng thể kháng TSH.

- TSH sản xuất không đúng chỗ.

- Tuyến giáp bị cắt bỏ một phần hoặc cắt bỏ toàn bộ.

- Suy tuyến thượng thận tiên phát.

* Nồng độ hormone kích thích tuyến giáp giảm

Nồng độ TSH giảm trong một số trường hợp sau:

- Nguyên nhân cường giáp xuất phát từ tuyến giáp.

- Suy giáp thứ phát, tức là suy giáp có nguồn gốc vùng dưới đồi hoặc tại tuyến yên.

- Sử dụng các loại thuốc như chế phẩm chứa iod, tinh chất giáp, amiodaron.

- Suy giảm chức năng tuyến yên.

- Tuyến giáp đa nhân.

Trường hợp đặc biệt đối với phụ nữ mang thai nếu bị suy giáp thì sẽ gây nên nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Cụ thể như: thai phát triển chậm trong tử cung, bào thai suy dinh dưỡng, thiếu máu, tiền sản giật, sinh non,...

Messenger - TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM
Zalo Hotline 1 Zalo Hotline 2