1. LDL là chỉ số gì?
Trong phiếu kết quả xét nghiệm sinh hóa, ngoài chỉ số Cholesterol toàn phần, còn có sự xuất hiện của các chỉ số khác như LDL, HDL. Vậy chúng là gì, và riêng chỉ số LDL mang ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
• Trong kết quả xét nghiệm sinh hóa máu, những chỉ số có liên quan tới cholesterol bao gồm: Cholesterol toàn phần, LDL, HDL.
• Cholesterol không hoàn toàn là chất có hại. Nó là phần chất béo thiết yếu mà tế bào trong cơ thể chúng ta cần. Cholesterol có thể được tạo ra từ gan, hoặc được thu nạp từ thức ăn. Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ chất trung gian vận chuyển, đó chính là lipoprotein. Như chúng ta đã thấy sự xuất hiện của hai chỉ số là LDL và HDL, trong đó HDL được coi là “cholesterol tốt”, còn LDL là “cholesterol xấu”.
* LDL là “cholesterol xấu” bởi nó gây nên tình trạng vữa xơ động mạch, là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
2. Giá trị của LDL bao nhiêu là tốt?
LDL là “cholesterol xấu”, do đó giá trị của LDL trên kết quả xét nghiệm sinh hóa máu càng thấp càng tốt.
• Ở người trưởng thành khỏe mạnh, giá trị tối ưu của LDL nên ở mức < 100 mg/dL, tuy nhiên ở mức 100 - 129 mg/dL vẫn là bình thường (riêng trường hợp người có sẵn bệnh lý tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch thì cần giữ ở giá trị dưới 100 mg/dL). Nếu kết quả trong khoảng 130 - 159 mg/dL là ở giới hạn cao, 160 - 189 mg/dL là ở mức cao và từ 190 mg/dL trở lên là rất cao.
• Ở trẻ em, giá trị bình thường thấp hơn so với người lớn. LDL nên giữ ở ngưỡng < 110 mg/dL, mức giới hạn cao là 110 - 129 mg/dL, và từ 130 mg/dL trở lên là mức cao.
3. Nên làm gì để có kết quả LDL tối ưu?
Để đạt được và duy trì giá trị LDL tối ưu không phải điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh và tập luyện hợp lý. Cholesterol sẽ tăng dần theo tuổi tác, do đó, càng bắt đầu cuộc sống lành mạnh sớm bao nhiêu thì kết quả càng tốt bấy nhiêu. Những lời khuyên cụ thể bao gồm:
- Ăn đồ ăn chứa ít chất béo bão hòa, ít cholesterol, ít đường.
- Ăn nhiều chất xơ.
- Chế độ luyện tập đều đặn, hợp lý.
Nếu bản thân có chỉ số LDL vượt giới hạn, người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.