• (+84) 909 858 115
  •   50-52 Trần Bạch Đằng, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM

Siêu âm thai - Vài điều cần phải biết


Siêu âm thai sử dụng sóng siêu âm để dựng hình ảnh và quan sát cấu trúc cũng như hoạt động của thai nhi ở trong tử cung. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ dùng đầu dò siêu âm đặt trên bụng thai phụ (siêu âm qua đường bụng) hoặc dùng đầu dò siêu âm được bọc bởi bao cao su để đưa vào âm đạo thai phụ (siêu âm đường đầu dò âm đạo) để tiến hành siêu âm.

1. Siêu âm thai được thực hiện thế nào?

Siêu âm được thực hiện trong phòng ánh sáng yếu để đảm bảo hình ảnh hiển thị trên máy được tốt nhất. Bạn sẽ được nằm trên giường siêu âm, bộc lộ vùng bụng nơi cần siêu âm (siêu âm qua đường bụng) hoặc bộc lộ vùng kín (siêu âm đường đầu dò âm đạo).

Bác sĩ sẽ bôi 1 ít gel lên vùng cần siêu âm để đảm bảo dẫn truyền sóng âm được tốt nhất. Hình ảnh thai nhi hiển thị trên màn hình theo 2 màu đen và trắng.

2. Siêu âm thai có an toàn không?

Siêu âm đã được sử dụng trong sản khoa hàng thập kỷ nay và được xem là an toàn với thai kỳ, và đã có bộ hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn đầy đủ. Thực hiện theo quy chuẩn đó, cho đến hiện tại, chưa có ai ghi nhận được siêu âm gây hại cho thai.

Không thấy tác dụng gây sảy thai hay ảnh hưởng đến thai nhi khi dùng đầu dò âm đạo, ngay cả khi ra máu âm đạo.

3. Siêu âm thai được thực hiện khi nào?

Siêu âm có thể thực hiện ở bất kì thời điểm nào trong thai kỳ. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thời điểm và số lần siêu âm cho mỗi người khác nhau, có 3 thời điểm siêu âm trong thai kỳ mà các chuyên gia khuyến cáo thật sự cần thiết:

  • Từ 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày
  • Từ 19 tuần đến 22 tuần
  • Từ 30 tuần đến 32 tuần

4. Siêu âm thai kéo dài bao lâu?

Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi thường khoảng 15-30 phút. Một số trường hợp khi thai khó đánh giá do có tư thế khó hoặc cử động quá nhiều, hoặc lớp mô thành bụng mẹ dày cản trở, làm sóng siêu âm đi qua khó hơn, nên thời gian siêu âm có thể phải kéo dài hơn hoặc hẹn sang lần tiếp theo.

5. Tại sao thai phụ cần siêu âm giai đoạn sớm thai kỳ?

  • Đánh giá thai trong tử cung hay ngoài tử cung
  • Đánh giá xem có tim thai chưa
  • Đánh giá số lượng thai
  • Dự kiến sinh
  • Đánh giá những bất thường tử cung và phần phụ
  • Siêu âm đánh giá nguyên nhân ra máu âm đạo

6. Siêu âm thời điểm 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày bao gồm gì?

Đánh giá tuổi thai và dự kiến sinh theo chiều dài đầu mông (là thời điểm đánh giá chính xác nhất).

Sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể:

  • Đo khoảng mờ sau gáy (NT). Khoảng mờ sau gáy là lớp dịch dưới da ở vùng sau gáy của thai. Tất cả thai đều có lớp dịch này, nhưng nhiều thai bị bất thường NST có dấu hiệu tăng độ dày lớp dịch này.
  • Đo NT kết hợp với làm xét nghiệm máu Double test có thể sàng lọc được khoảng 90% các trường hợp thai nhi bị hội chứng Down.

Quan sát sớm các cấu trúc giải phẫu như tay, chân, thành bụng, tim, hộp sọ, bánh rau... để phát hiện các bất thường lớn của thai

Đánh giá khoảng mờ trong não (IT) để có thể phát hiện sớm dị tật ống thần kinh.

Sàng lọc nguy cơ tiền sản giật

7. Siêu âm hình thái thai nhi 19 tuần đến 22 tuần bao gồm gì?

  • Là khoảng thời gian tốt nhất trong thai kỳ để đánh giá các bất thường về cấu trúc của thai. 19 tuần là thời điểm có thể bắt đầu đánh giá chi tiết cấu trúc thai và 22 tuần là thời điểm tốt nhất để đánh giá.
  • Quan sát hình thái và cấu trúc của hộp sọ và não bộ, khuôn mặt, hệ tiêu hóa như gan, ruột, hệ hô hấp như phổi, cơ hoành, hệ tuần hoàn như tim mạch, hệ tiết niệu như thận, bàng quang, hệ xương và các chi, giới tính...
  • Quan sát bánh rau, dây rốn và nước ối
  • Đo chiều dài cổ tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non
  • Đánh giá tình trạng phát triển của bé bằng cách đo các chỉ số sinh học của bé như đường kính lưỡng đỉnh, vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng... để đánh giá xem bé phát triển có tương ứng với tuổi thai hay không, có bị nhỏ không và nếu nhỏ thì có những nguy cơ gì hay không.

8. Siêu âm thai 30 tuần đến 32 tuần bao gồm gì?

Là thời điểm quan trọng để đánh giá sự tăng trưởng của thai.

Giống như thời điểm 22 tuần, bác sĩ sẽ đo các chỉ số sinh học của thai để đánh giá thai nhi có đang phát triển bình thường, hay thai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường

Cân nặng thai nhi sẽ được biểu hiện trên báo cáo theo đường bách phân vị

  • Đường bách phân vị từ 10 đến 90 là thai cân nặng bình thường
  • Đường bách phân vị dưới 10 là thai nhỏ
  • Đường bách phân vị trên 90 là thai to

Cân nặng trên siêu âm có độ lệch so với thực tế khoảng 10%

Dùng siêu âm Doppler để đánh giá về tuần hoàn của thai thông qua các động mạch chính. Từ đó đánh giá nguy cơ về thiếu hụt oxy, suy giảm chức năng bánh rau của thai

Với thai nhỏ sẽ có thể có tiên lượng không tốt cho thai. Để có thể có chẩn đoán chắc chắn cũng như đưa ra xử trí tốt nhất, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm thêm và theo dõi tốc độ tăng trưởng của thai qua các lần siêu âm.

Với thai lớn, thường những thai lớn hơn tuổi thai sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên, 1 số ít những thai lớn có nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa của mẹ như đái tháo đường thai kỳ, nếu không phát hiện có thể gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Để an toàn cho thai kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm cần thiết.

Đánh giá những cấu trúc các cơ quan của thai giống như tuần 22 và thêm 1 số khác biệt như đánh giá tổn thương xuất hiện muộn ví dụ như tổn thương vỏ não, tắc ruột, hẹp vùng nối bể thận- niệu quản, nhiễm trùng Zika, CMV, Rubella...

9. Siêu âm có thể phát hiện hết bất thường của thai nhi?

Tùy từng bệnh lý, có bệnh lý dễ phát hiện hơn, có bệnh lý tùy thuộc mức độ biểu hiện, tiến triển thay đổi, khó phát hiện thậm chí là không thể phát hiện trên siêu âm.

  • Một số bất thường như bất thường tim hay tắc ruột... thường chỉ có thể phát hiện ở giai đoạn muộn của thai kỳ.
  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi tuy có thể loại trừ phần lớn các dị tật kể trên nhưng không thể loại trừ tất cả các bất thường của thai.
  • Những bệnh lý như tự kỷ, bại não, chậm phát triển trí tuệ không thể phát hiện được trên siêu âm vì những bệnh lý này không do bất thường cấu trúc mang lại.

10. Nếu kết quả siêu âm có vấn đề thai phụ sẽ phải làm gì?

Sẽ là rất tự nhiên nếu bạn lo lắng khi kết quả siêu âm thai cho thấy có vấn đề với thai của bạn. Tuy nhiên, các vấn đề trên siêu âm có thể gồm rất nhiều loại, từ các bất thường lớn, rõ ràng, nghiêm trọng đến những vấn đề nhỏ, chỉ là dạng biến thể cấu trúc không gây hậu quả gì. Vậy nên khi siêu âm nghi ngờ có vấn đề, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa về y học bào thai để được tư vấn, hướng dẫn về chẩn đoán, xử trí 1 cách chi tiết.

Các bất thường của thai nhi, có thể điều trị được, có thể không, có loại có thể điều trị ngay từ giai đoạn bào thai, có loại phải đợi đến lúc sinh ra mới có thể điều trị. Tùy từng bất thường, bạn sẽ được hướng dẫn và tư vấn theo từng bước: những điều cần chú ý thực hiện tiếp theo trong thai kỳ, lập kế hoạch sinh cho bạn, lập kế hoạch chăm sóc sau sinh cho bé, lập kế hoạch mổ điều trị nếu cần, hướng dẫn chăm sóc bé sau khi ra viện... Bất kể loại nào, đây cũng là thời điểm bạn cần nhiều sự hỗ trợ nhất, không chỉ về y tế.

3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

  • Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
  • Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
  • Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
  • Phân biệt chảy máu âm đạo bình thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
  • Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Zalo Cơ Sở 1