• (+84) 909 858 115
  •   50-52 Trần Bạch Đằng, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM

Nhận biết chỉ số acid uric bình thường


Như chúng ta đã biết acid uric là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh gout. Việc nhận biết sự bất thường của chỉ số acid uric giúp ta dự đoán được bệnh tình.

1. Chỉ số acid uric phản ánh điều gì?
Acid uric là một chất thừa, sản phẩm của chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của chất đạm có nhân purin. Chất đạm có nhân purin được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm và đồ uống như phủ tạng động vật, cá biển, đậu Hà Lan, bia, rượu...

Thông thường acid uric được thận đào thải qua nước tiểu nhưng do chúng ta ăn các đồ ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu khiến tăng tổng hợp acid uric hoặc do chức năng của thận suy giảm khiến giảm đào thải acid uric làm cho lượng acid uric trong máu tăng cao.

Ban đầu, nồng độ acid uric trong máu tăng cao tuy nhiên chưa xuất hiện các triệu chứng, chưa xuất hiện các cơn gút cấp. Giai đoạn này thường gọi là “Tăng acid uric máu”, chưa phải bệnh gout. Tuy nhiên, khi lượng acid uric trong máu tăng cao kéo dài sẽ lắng đọng tinh thể urat ở các khớp gây ra các đợt viêm khớp cấp hay còn gọi là cơn gout cấp. Khi đó, tăng acid uric máu đã tiến triển thành bệnh gút

Ngoài ra, acid uric còn lắng đọng ở tim gây ra các bệnh lý về tim mạch, lắng đọng ở thận gây ra suy thận, lắng ở đường niệu gây ra sỏi thận

2. Nhận biết chỉ số Acid uric bình thường - bất thường
Bình thường lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/l) và được giữ ở mức độ hằng định do sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải chất này.

Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng hai quá trình tổng hợp và đào thải này, chẳng hạn tăng tổng hợp acid uric hoặc giảm thải trừ acid uric đều làm tăng acid uric trong máu.

Được coi là tăng acid uric máu khi lượng acid uric trong máu tăng cao hơn giới hạn bình thường (tùy theo chỉ số của mỗi phòng xét nghiệm, tuổi, giới), thường ở nam là trên 7,0 mg/dl (hay trên 420 micromol/l), ở nữ trên 6,0mg/l (360 micromol/l).

3. Điều trị khi tăng acid uric máu như thế nào?
Với chứng tăng acid uric máu không có triệu chứng, các trường hợp tăng acid uric máu ở mức độ trung bình (dưới 10mg/dl), người bệnh cần được hướng dẫn thực hiện chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể không tạo ra thêm acid uric.

Cụ thể, bệnh nhân phải hạn chế ăn đạm động vật, ăn nhiều rau quả, không được uống rượu bia. Một khi đã điều chỉnh chế độ ăn uống mà acid uric vẫn cao thì việc sử dụng thuốc là cần thiết.

Còn trong trường hợp lượng acid uric ở mức trên 12mg/dl, nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch thì cần dùng thuốc điều trị hạ acid uric.

Các trường hợp khác đều không có chỉ định dùng thuốc, trừ bệnh nhân có tình trạng hủy tế bào quá nhiều, xuất hiện sự sản xuất acid uric cấp tính ở bệnh nhân ung thư đang được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị thì có thể dùng liệu pháp dự phòng tăng acid uric máu nhằm tránh tình trạng suy thận cấp do lượng tinh thể urat lắng đọng ở ống thận.

Các trường hợp đặc biệt, xét nghiệm thường xuyên có tình trạng tăng acid uric trên 10mg/dl mà kháng với các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống, hoặc gia đình có tiền sử bị gút, bị sỏi thận kèm tăng acid uric máu, có dấu hiệu tổn thương thận đều cần phải dùng các thuốc giảm acid uric.

Thuốc được lựa chọn để điều trị hội chứng tăng acid uric máu thường là thuốc ức chế men xanthin oxidase có tác dụng làm giảm tạo thành acid uric như allopurinol, thiopurinol hoặc thuốc tiêu acid uric (enzym uricase).

Lưu ý, không dùng nhóm thuốc tăng thải acid uric qua thận như probenecid ở những bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: Tiền sử hoặc đang có sỏi thận, suy thận, có hạt tophi và giảm bài tiết urat qua thận.

 

Center Lab Việt Nam sẽ giúp bạn xét nghiệm xác định chỉ số acid uric và hỗ trợ tư vấn sức khỏe !

( Cần Thơ 27/04/2020 )

Zalo Cơ Sở 1