• (+84) 909 858 115
  •   50-52 Trần Bạch Đằng, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM

Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán đái tháo đường type 2


Bệnh đái tháo đường type II gây ra rất nhiều biến chứng nếu không được điều trị và kiểm soát nồng độ đường máu hợp lý. Do đó để chẩn đoán sớm đái tháo đường type II những người có yếu tố nguy cơ nên đi xét nghiệm sàng lọc sớm.

1. Những ai nên làm xét nghiệm bệnh đái tháo đường type 2?
Những người từ 45 tuổi trở lên có khả năng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type II cao hơn những người trẻ tuổi, kèm theo đó có những yếu tố nguy cơ đi kèm như sau:

+ Béo phì (những người có BMI ≥ 23 (Theo IDF 2005): Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị đái đường type II do sự dư thừa mỡ trong cơ thể, thúc đẩy quá trình kháng insulin.

+ Có yếu tố tiền sử gia đình: Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột..)

+ Các yếu tố khác: những người có bệnh lý tăng huyết áp (huyết áp trên 130/85 mmHg), rối loạn mỡ máu (đặc biệt khi HDL-C dưới 0,9 mmol/L và Triglycerid trên 2,2 mmol/l), buồng trứng đa nang, các hội chứng chuyển hóa, rối loạn dung nạp glucose, phụ nữ đã từng có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hay sinh con to – nặng trên 3600 gam, sảy thai tự nhiên nhiều lần, thai chết lưu, lười vận động... có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type II cao hơn các đối tượng khác.

Khi một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ, khả năng người đó mắc đái tháo đường type II càng lớn. Và do sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm, hóa chất hiện nay, độ tuổi người bệnh mắc đái tháo đường type II ngày càng trẻ hóa, do đó việc đi khám sức khỏe và xét nghiệm glucose trong máu định kỳ là hết sức quan trọng trong việc chẩn đoán sớm, phát hiện và kiểm soát tốt bệnh lý đái tháo đường, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Đái tháo đường type 2 gây nhiều biến chứng nguy hiểm

 

2. Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán đái tháo đường type 2
Theo trình tự tiến hành xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường type II (WHO-2011), các xét nghiệm và nghiệm pháp sau lần lượt được sử dụng:

2.1. Định lượng Glucose huyết tương/ huyết thanh lúc đói
Đây là xét nghiệm thường quy, được các bác sĩ lâm sàng hay sử dụng nhất hiện nay để chẩn đoán đái tháo đường. Mặc dù glucose máu có thể tăng trong các tình trạng stress của cơ thể nhưng glucose máu chủ yếu tăng trong bệnh lý đái tháo đường. Mức glucose huyết tương khi đói thường nằm trong khoảng 4.1 – 5,5 mmol/L (73.8 – 99 mg/dl).

Khi Glucose máu huyết tương lúc đói nằm trong khoảng từ 5.6 – 6.9 mmol/l (100.8 – 124.2 mg/dl): tiền đái tháo đường (rối loạn dung nạp glucose lúc đói) theo tiêu chuẩn Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2020.

Nếu như xét nghiệm thấy đường máu lúc đói (sau ăn 8h) ≥ 126 mg/dl (≥ 7,0 mmol/l) ở 2 lần xét nghiệm liên tiếp cách nhau ít nhất 24h thì được coi là đái tháo đường.

2.2. Định lượng glucose huyết thanh/ huyết tương tại thời điểm bất kỳ
Theo WHO và ADA 2020, 1 trong các tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường là xét nghiệm đường máu tại thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dl (≥ 11,1 mmol/l) với huyết tương kèm theo các triệu chứng kinh điển: khát, uống, tiểu nhiều, gầy sút cân.

Với xét nghiệm định lượng glucose máu bất kỳ, bác sĩ lâm sàng không cần phải quan tâm đến bệnh nhân đã ăn hay chưa hoặc ăn được bao lâu. Nếu xét nghiệm đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l lặp lại ít nhất 2 lần và cách nhau ít nhất 24h thì có thể chẩn đoán người bệnh mắc đái tháo đường.

Nếu kết quả đường máu ở thời điểm bất kỳ < 7,8 mmol/L thì cần làm thêm nghiệm pháp dung nạp đường huyết để khẳng định.

2.3. Nghiệm pháp dung nạp glucose máu bằng đường uống
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrate mỗi ngày.

Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L) là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường.

2.4. Định lượng glucose máu sau ăn 2 giờ
Đôi khi bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm định lượng glucose máu sau ăn 2h để hỗ trợ chẩn đoán đái tháo đường. Bữa ăn của bệnh nhân sẽ có khoảng 100g carbohydrate và các chất dinh dưỡng khác.

Sau khi ăn, nồng độ glucose thường đạt đỉnh sau 1h và trở về nồng độ trước khi ăn trong vòng 2-3h. Ở người không bị đái tháo đường, nồng độ đường máu sau 2h thường < 6.6 – 7.7 mmol/L (120 – 140 mg/dl). Ở bệnh nhân bị đái tháo đường type II có tình trạng giảm hay mất đáp ứng insulin sau bữa ăn làm nồng độ glucose trong máu tăng cao.

Nếu xét nghiệm đường máu sau ăn 2h có kết quả nồng độ glucose trong huyết tương ≥ 11,1 mmol/l là một dấu hiệu chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên xét nghiệm này hiện nay ít được sử dụng mặc dù khá đơn giản vì các lý do khó kiểm soát được thành phần bữa ăn của bệnh nhân cũng như khó kiểm soát chính xác thời gian của bữa ăn.

2.5. Xét nghiệm glucose niệu
Trong điều kiện bình thường, glucose được lọc qua các cầu thận và được các ống lượn gần tái hấp thu hoàn toàn. Như vậy một người bình thường khỏe mạnh sẽ không thấy có glucose niệu. Khả năng tái hấp thu của ống thận đối với glucose hoàn toàn hữu hiệu khi nồng độ glucose máu ≤180mg/dl (≤ 10 mmol/L), vượt quá giá trị này thường thấy xuất hiện glucose niệu.

Tuy nhiên cũng cần ghi nhận ngưỡng thận đối với glucose khác nhau ở từng cá thể và các trường hợp sau có thể xảy ra:

Người bệnh chắc chắn bị đái tháo đường song không thấy glucose trong nước tiểu (ngưỡng thận tăng cao hoặc chưa có tổn thương thận)
Người không mắc đái tháo đường nhưng có sự xuất hiện glucose niệu (do tổn thương ống thận).
Do đó xét nghiệm glucose niệu là một xét nghiệm hữu ích có giá trị tham khảo trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường, tuy nhiên không phải một xét nghiệm đủ tin cậy để đưa ra chẩn đoán xác định bệnh lý đái tháo đường.

2.6. Xét nghiệm HbA1C
HbA1C còn gọi là Hemoglobin bị glycosyl hóa (hemoglobin của các hồng cầu bị bão hòa với glucose). Do gắn với Hemoglobin nên tình trạng bão hòa này sẽ tồn tại trong suốt đời sống trung bình 120 ngày của hồng cầu. Do đó định lượng HbA1C, bác sĩ có thể nhận định được nồng độ glucose máu trung bình trong vòng 2-3 tháng trước đó của bệnh nhân.

Nồng độ HbA1C ≥ 6.5% (xét nghiệm theo phương pháp được chuẩn hoá NGSP) là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán xác định đái tháo đường, tuy nhiên xét nghiệm này càng có ý nghĩa hơn trong việc theo dõi điều trị với các bệnh nhân đái tháo đường.

Xét nghiệm đái tháo đường type 2

3. Những lưu ý trước khi làm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường type 2
Khi làm các xét nghiệm để chẩn đoán đái tháo đường type II, đặc biệt là xét nghiệm Glucose máu lúc đói, người bệnh thường được bác sỹ lưu ý những điều sau:

Bệnh nhân phải nhịn ăn hoàn toàn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ).
Mẫu máu sau khi lấy phải được chuyển đến phòng xét nghiệm trong vòng 15 phút nếu không được lấy máu bằng ống Natri Florua tránh gây giảm đường máu.

**************************************************************************************************************

Trung tâm xét nghiệm y khoa Center Lab Việt Nam

Địa chỉ: 50-52 Trần Bạch Đằng, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ

(Đối diện cổng sau bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ)

Hotline: 0909 858 115

Facebook: https://www.facebook.com/CENTERLABVIETNAM

Xin mời xem thêm Thông tin y tếTin tức !

Xin cảm ơn !

***************************************************************************************************************

 

# Xet nghiem can tho

# Center Lab Viet Nam

# Nguồn: Theo BS Đỗ Thị Hoàng Hà – Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

 

Messenger - TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM Y KHOA CENTER LAB VIỆT NAM
Zalo Hotline 1 Zalo Hotline 2